Hàm Sumifs trong excel hay hàm Sumif nhiều điều kiện đối với nhiều người là một hàm cơ bản, dễ sử dụng nhưng để sử dụng sao cho hợp lý với từng trường hợp lại là một vấn đề khác. Bài viết này của Tin Học Thành Luân sẽ giới thiệu tới các bạn cách sử dụng hàm sumifs một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
Khi các bạn đã biết, đã học về hàm sumif trong Excel rồi thì chắc hẳn sẽ phân biệt được ngay ở phần thành phần đã thay đổi, đó là lý do vì sao các bạn học hàm Sumifs rồi nhưng lại dùng lẫn lộn giữa 2 hàm sumif và sumifs với nhau. Các bạn hãy nhớ, khi dùng hàm sumif hay sumifs hãy dựa vào số lượng điều kiện mà bạn sẽ sử dụng để tính tổng. Một điều kiện bạn dùng hàm Sumifs vẫn được nhưng nên dùng hàm sumif, dùng hàm Sumifs trong những trường hợp điều kiện lớn hơn hoặc bằng 2 để tối ưu công thức hơn.
Mục Lục
Hàm Sumifs trong excel là gì?
Trong Excel, hàm SUMIFS là một hàm tính tổng nhiều điều kiện, khác với hàm sumif chỉ ở số lượng điều kiện mà bạn đưa vào. Khi bạn muốn tính tổng nhưng cần thỏa mãn các điều kiện của đề bài thì hàm sumifs này sẽ giúp bạn làm điều đó.
Bạn có thể sử dụng các toán tử so sánh như =, >, <, >=, <=, <> để so sánh giá trị trong các điều kiện. Đối với những điều kiện dạng bằng thì rất đơn giản, ngược lại những trường hợp so sánh hơn hoặc kém thì phức tạp hơn về cách viết dấu. Ở phần dưới đây, Tin học Thành Luân sẽ lấy các vị dụ so sánh hơn kém để các bạn dễ hình dung hơn.
Cách sử dụng và cú pháp hàm SUMIFS
Cú pháp của hàm SUMIFS trong Excel như sau:
SUMIFS(sum_range, criteria_range1, criteria1, [criteria_range2, criteria2], …)
- sum_range: Khoảng dữ liệu chứa các giá trị bạn muốn tính tổng.
- criteria_range1: Vùng điều kiện 1 chứa các giá trị làm điều kiện
- Criteria1: Điều kiện 1 tương ứng với vùng điều kiện 1
Lưu ý: Khi các bạn tạo điều kiện hãy đưa chúng vào trong dấu ngoặc kép
Ví dụ: Để tính tổng các giá trị trong khoảng A2:A10 khi giá trị trong khoảng B2:B10 là “X” và giá trị trong khoảng C2:C10 lớn hơn 5, bạn có thể sử dụng công thức sau:
=SUMIFS(A2:A10, B2:B10, “X”, C2:C10, “>5”)
- A2:A10: Vùng cần tính tổng
- B2:B10: Vùng điều kiện 1
- “X”: Điều kiện trong vùng điều kiện B2:B10
- C2:C10: Vùng điều kiện 2
- “>5”: Điều kiện 2 trong vùng điều kiện C2:C10
Ví dụ hàm sumifs trong excel và các tình huống hay gặp phải
Ví dụ 1:
Chúng ta có bảng công của công nhân viên cần tính tổng số giờ làm việc tăng ca bằng 1 hoặc 2 tiếng. Nhiệm vụ của chúng ta sẽ là điền công thức vào 2 cột tổng số giờ tăng ca.

Bước 1: Phân tích bài toán, chúng ta cần xác định điều kiện ở đây là những điều kiện gì? và có bao nhiêu điều kiện, vùng điều kiện có chú ý gì không?
Dễ dàng nhận thấy bài toán yêu cầu tính tổng số giờ tăng ca bằng 2 và bằng 1 vậy ở đây có 2 điều kiện đó là tăng ca (TC) và số giờ bằng 2 hoặc số giờ bằng 1.
Bước 2: Xác định vùng điều kiện
Nhìn vào bảng công thì thấy 2 điều kiện này sẽ chia ra làm 2 vùng điều kiện, đầu tiên tăng ca sẽ là vùng ở dòng số 2 để lọc ra điều kiện “TC”, tiếp theo là vùng số giờ hành chính(HC) và tăng ca(TC) để lọc ra số giờ bằng 2 hoặc bằng 1.
Bước 3: Xác định vùng cần tính tổng
Đương nhiên rồi, đó chính là vùng số giờ hành chính(HC) và tăng ca(TC) đồng nghĩa với việc trùng với vùng điều kiện ta nói ở bước số 2 trên.
Bước 4: Lập công thức tính tổng nhiều điều kiện
Từ 3 bước phân tích trên, chúng ta có công thức như sau:

Tại ô P3: =SUMIFS(D3:O3,$D$2:$O$2,”TC”,D3:O3,”=2″)
Tại ô P4: =SUMIFS(D3:O3,$D$2:$O$2,”TC”,D3:O3,”=1″)
Giải thích công thức:
- D3:O3: Vùng cần tính tổng
- $D$2:$O$2: Vùng điều kiện 1, lưu ý cần cố định vùng này vì nó sẽ không di chuyển trong quá trình chúng ta kéo công thức
- “TC”: Điều kiện 1 là tăng ca
- D3:O3: Vùng điều kiện 2, do vùng điều kiện này sẽ thay đổi trong quá trình kéo công thức nên chúng ta sẽ không cố định vùng này
- “=2”: Điều kiện 2 là số giờ bằng 2
Và kết quả sẽ là:

Như vậy trên đây, Tin học Thành Luân đã chia sẽ và hướng dẫn các bạn cách sử dụng hàm SUMIFS trong Excel như thế nào rồi. Các bạn có thể đọc nhiều bài viết hơn tại mục Excel cơ bản nhé!